Xổ số hôm nay, cập nhật tin nhanh mới nhất, tin hot, giải trí, tử vi, bói toán, cung hoàng đạo, con giáp, phong thủy, tử vi

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Cuộc đời cơ cực và nốt nhạc vui hoàn thiện lên cuộc sống

Bị gia đình bỏ rơi lúc nhỏ, một thời gian dài anh Nguyễn Hồng Tài được cô nhi viện Gò Vấp (Sài Gòn) cưu mang. Số phận càng nghiệt ngã khi anh bị tai nạn cây đâm vào mắt. Sống trong mù lòa, trải qua bao đắng cay, tủi nhục, anh vẫn vững niềm tin vào cuộc sống.

Anh Nguyễn Hồng Tài với cây đàn đã gắn bó nhiều năm

QUÃNG ĐỜI CƠ CỰC
“Cuốn phim” của cuộc đời được anh Nguyễn Hồng Tài “chiếu” lại cho tôi xem từ đoạn bà ngoại dẫn anh vào cô nhi viện Gò Vấp, hứa gửi vài hôm, rồi sẽ đến đón (anh Tài chỉ “chiếu” từ đoạn này, vì đoạn trước anh còn quá nhỏ, không nhớ nổi). Đợi ngoại trong mỏi mòn, nhưng khi được các xơ động viên, an ủi, cậu bé Nguyễn Hồng Tài đã xác định cô nhi viện là nhà, xem các xơ là bà, là mẹ; xem bạn bè là anh chị em ruột thịt. Một lần bất cẩn, cậu bé Tài bị cây đâm vào mắt. Mắt phải bị hỏng, mắt trái bị ảnh hưởng, khiến nhãn cầu bị teo, rồi mờ hẳn. Các xơ gửi cậu vào học ở trường La San Hiền Vương, được một thời gian thì trường giải thể, cậu bé Tài về sống ở trại mù (thuộc giáo xứ Ninh Phát), xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Năm 1981, Tài ra trại đi bán vé số và tờ dò kqxs dạo và ấp ủ giấc mơ học đàn. Được bạn bè nâng đỡ, giới thiệu anh với các thầy dạy đàn, anh nghe băng đĩa để tiếp thu thêm. Học đàn với người mù rất vất vả, nhưng hình như ông trời đã lấy của anh đôi mắt, thì bù lại cho anh đôi tay và cái đầu, trái tim biết “cảm”, nên anh tiếp thu nhanh. Năm 1983, anh về đánh đàn cho ban nhạc của Hội Người mù Long An. Ban nhạc đi lưu diễn được vài năm, rồi cũng giải thể, anh bắt đầu những ngày tháng bán vé số dạo ở Tây Ninh, Long Khánh. Đi bán vé số không chỉ để mưu sinh, mà trong sâu thẳm tâm hồn, Tài muốn tìm được người thân. Đến tận giờ, anh vẫn thắc mắc chẳng biết vì sao ba mẹ lại bỏ anh, không một lời nhắn gửi. Nỗi buồn mồ côi, bệnh tật, mặc cảm khiến không ít lần anh bước đi trong vô vọng. Cây gậy thay đôi mắt dẫn đường anh rong ruổi suốt những tháng ngày dài. Ở Huế, anh thường bị côn đồ bắt nạt, buộc anh đàn hát phục vụ. Anh tìm cách trốn, lần đường vào Tam Kỳ (Quảng Nam). Tại đây, anh được một gia đình tốt bụng thương cảm, cho ở nhờ.
Chị Lê Thị Ngọc Yến, con gái lớn của gia đình này, vì lận đận chuyện chồng con, cha lại vừa qua đời, gia đình khó khăn trăm bề. Anh Tài, chị Yến, mỗi người mỗi hoàn cảnh không giống nhau, nhưng nỗi khổ của nhau, dường như họ cảm nhận được. Anh Tài thưa chuyện với mẹ chị Yến, xin được “nối gánh” với chị. Thương anh mồ côi, bệnh tật, nhưng sống nghĩa tình, mẹ chị Yến đồng ý cho con gái làm vợ anh chàng mù.
Thấy cuộc sống ở Tam Kỳ bấy giờ quá khó khăn, anh quyết định đưa chị Yến vào TP.HCM. Chẳng lường trước cuộc sống con gái ở xứ người thế nào, mẹ chị Yến cho đứa con trai út đi theo để chị em dìu đỡ nhau. Bộ ba lên đường không một xu dính túi. Đứa em vợ dắt anh rể đi đàn suốt dọc đường, rồi họ cũng kiếm đủ tiền vào đến TP.HCM.

Vợ chồng anh Tài, chị Yến với đứa con trai và cháu ngoại
NHẸ NHÀNG MÀ SỐNG
Về TP.HCM, họ bắt đầu những tháng ngày bán vé số dạo. Thấy hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng anh, cha Nguyễn Công Tứ ở giáo xứ Ninh Phát cho đất, giúp cất căn nhà nhỏ tại địa chỉ 3C58 ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Về phần chị Yến, những ngày đi bán xổ số, chị đã quen đường sá TP.HCM, nên khi anh Tài đề nghị buổi tối chị làm tài xế, đưa anh tới chơi đàn ở các nhà hàng kiếm tiền, chị rất hồ hởi. Được một thời gian thì phong trào karaoke những năm 1989, 1990 phát triển mạnh, khách chuyển sang hát karaoke, quay lưng với “nhạc sống”, anh Tài không còn “đất” để chơi đàn. Với anh, chơi đàn không chỉ để kiếm tiền, mà còn thỏa niềm đam mê. Mỗi nốt nhạc vang lên, mọi phiền não, buồn tủi như tan chảy. Không ít lần nghĩ tới cây đàn xếp xó, anh thấy đôi bàn tay trống trải, đầu trĩu nặng. Đến khi phong trào karaoke bão hòa vì nhà nhà đều trang bị phương tiện này, anh lại hợp tác với bạn bè mở tụ điểm hát giao lưu, để có cơ hội đánh đàn. Đang làm ăn “ngon trớn”, anh và các bạn phải chuyển hết tụ điểm này đến tụ điểm khác, vì các nhóm giang hồ thấy họ làm ăn thành công, đến kiếm chuyện, xin tiền, quấy phá. Anh đành phải xếp đàn.
Thời điểm này anh chị sinh con gái đầu lòng, niềm vui khôn tả, nhưng khó khăn chồng chất, họ phải quay về bán vé số. Lăn lộn mãi đến năm 2000, cuộc sống anh chị mới dễ thở hơn nhờ mỗi tối anh đi đàn trở lại. Anh chị sinh đứa con thứ hai. Thấy anh đánh đàn hay, bạn bè giới thiệu anh tới làm nhạc công ở các tụ điểm ca nhạc, phòng trà. Hiện nay anh đang chơi organ ở phòng trà Giai điệu xanh (368/2 Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM). Mỗi tối, từ 19g, chị Yến đưa chồng tới điểm làm việc. Chị ngồi ngoài đợi anh tới 23g30, có khi trễ hơn.
Ngôi nhà của anh chị nhỏ gọn. Họ đang sống cùng con trai và đứa cháu ngoại. Anh Tài rất nghiêm khắc với con cháu. Con trai muốn gì cũng đều phải thông qua ý kiến ba, không tự tiện hay muốn làm gì thì làm; không bao giờ dám “qua mặt”, dù ba là người mù lòa. Nhìn anh thong thả đi lại từ trong nhà ra tới sân, chị Yến bảo: “Mọi ngóc ngách trong nhà, anh thuộc lòng. Với những chỗ làm mới, nắm tay hướng dẫn anh ba, bốn lần là anh sẽ tự đi được, nên tôi chỉ cần chở anh tới cửa, rồi anh tự đi vào, tự bước lên bục sân khấu”.
Khát khao có một đại gia đình, anh Tài mời mẹ vợ và các em vợ ở quê vào sống cùng. Một căn nhà nhỏ dựng lên trong khuôn viên đất nhà anh. Anh Tài rạng rỡ: “Bây giờ tôi đã có một gia đình lớn, như thế là mãn nguyện rồi. Ông trời không còn bất công với tôi nữa”. Khi tôi hỏi cuộc sống của anh chị đã ổn định chưa, anh trả lời: “Nếu người ta (chủ các tụ điểm, phòng trà) ổn định thì mình ổn định, còn không thì lại phải chuyển chỗ, làm lại từ đầu”. Xem ra, cuộc sống của anh chị còn rất chông chênh, nhưng trông anh Tài vẫn thảnh thơi, bởi anh quan niệm “nhẹ nhàng mà sống, biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, không đòi hỏi cao xa”.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét